• 5

Nguyên nhân, tỷ lệ mắc bệnh và các yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da khi da tiếp xúc trực tiếp với một chất kích thích hoặc chất gây dị ứng nào đó (còn gọi là dị ứng nguyên). Phản ứng có thể khác nhau trong cùng một người theo thời gian. Nếu một người có tiền căn bị dị ứng thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao.

Viêm da kích thích, loại phổ biến nhất của bệnh viêm da tiếp xúc, là tình trạng viêm do tiếp xúc với chất có tính acid, kiềm như xà phòng, bột giặt, dung môi hoặc những hóa chất khác. Phản ứng gây ra thường giống như bị bỏng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng, loại viêm da tiếp xúc phổ biến thứ hai, là tình trạng viêm da do tiếp xúc với một chất mà bạn khá nhạy cảm hoặc dị ứng với chất đó. Phản ứng dị ứng thường xuất hiện trễ với những nốt phát ban xuất hiện sau 24 – 48 giờ. Sự viêm da có thể khác nhau từ những kích thích đỏ nhẹ đến những vết lở loét tùy thuộc vào loại chất kích thích, phần cơ thể bị mắc bệnh và tùy thuộc vào sự nhạy cảm của bạn.

Một loại viêm da tiếp xúc khác nữa đó là viêm da xảy ra do sự kích ứng trong quá trình điều trị một rối loạn về da.

Các dị ứng nguyên thông thường bao gồm:
– Cây sơn độc, cây sồi độc
– Một số loại cây khác
– Niken hoặc kim loại khác
– Dược phẩm


Cẩn thận với các loại thuốc bôi vào da tránh bị viêm da tiếp xúc

+ Thuốc kháng sinh, đặc biệt những loại dùng cho bề mặt da.
+ Thuốc gây tê cục bộ
+ Một số dược phẩm khác

– Cao su hoặc mủ cao su
– Mỹ phẩm
– Vải và quần áo
– Chất tẩy rửa
– Dung môi
– Chất dính
– Hương thơm, nước hoa
– Một số chất hóa học khác

Viêm da tiếp xúc có thể là do sự phản ứng với một chất mà bạn tiếp xúc hoặc sử dụng nhiều lần. Mặc dù ban đầu có thể không có phản ứng nhưng khi sử dụng thường xuyên sẽ gây ra sự kích ứng (ví dụ như nước tẩy sơn móng tay, dung dịch bảo quản kính áp tròng, hoặc sự tiếp xúc thường xuyên với trụ của khuyên tai hoặc dây đồng hồ bằng kim loại).

Một số sản phẩm gây phản ứng chỉ khi tiếp xúc với da và ánh nắng mặt trời (sự nhạy cảm ánh sáng). Những sản phẩm này bao gồm kem cạo râu, kem chống nắng, thuốc mỡ sulfa, một số loại nước hoa, sản phẩm nhựa than đá, và dầu từ vỏ của trái chanh. Ngoài ra, một số dị ứng nguyên trong không khí như cỏ phấn hương hay thuốc trừ sâu dạng xịt cũng gây ra bệnh viêm da tiếp xúc.

Các triệu chứng
– Ngứa ở những vùng da tiếp xúc
– Da bị đỏ hoặc viêm ở vùng da tiếp xúc
– Vùng da tiếp xúc rất nhạy cảm
– Da bị sưng ở vùng tiếp xúc
– Vùng da đó có thể hơi nóng hơn vùng da bình thường
– Mặt da tiếp xúc bị tổn thương hoặc nổi ban
– Thương tổn da có thể ở bất kỳ dạng nào: đỏ, nổi ban, nốt sần, vết giộp, phồng rộp da, rỉ nước, khô và đóng mày, có thể da đóng vảy, trợt da hoặc da sẫm lại

Các dấu hiệu và thử nghiệm
Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào biểu hiện bên ngoài của da và bệnh sử tiếp xúc với chất kích thích hoặc dị ứng nguyên.

Theo Viện Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ “miếng dán thử nghiệm là tiêu chuẩn vàng để xác định dị ứng nguyên tiếp xúc”. Việc thử nghiệm dị ứng với những miếng dán trên da có thể cô lập các dị ứng nguyên bị nghi ngờ là nguyên nhân của sự phản ứng

Miếng dán thử nghiệm được sử dụng cho những bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc mãn tính, tái phát nhiều lần. Việc thử nghiệm đòi hỏi bệnh nhân phải đến phòng khám ba lần và phải được một bác sĩ có kinh nghiệm giải thích kết quả. Trong lần đầu đến phòng khám, bạn sẽ được dán những miếng dán nhỏ lên da. Những miếng dán này sẽ được tháo ra sau 48 giờ để xem phản ứng có xảy ra hay không. Khoảng 2 ngày sau khi dán miếng dán thử nghiệm bạn đến phòng khám lần thứ ba để bác sĩ đánh giá xem có bất kỳ một phản ứng muộn nào hay không. Bạn nên mang theo những vật liệu mà bạn nghi ngờ, đặc biệt nếu bạn đã thử nghiệm các vật đó trên một vùng da nhỏ và nhận thấy một phản ứng nào đó.

Những thử nghiệm khác có thể sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác có thể có, bao gồm cả việc sinh thiết hoặc cấy da bị thương tổn (xem cấy sinh thiết da hoặc niêm mạc).

Điều trị
Việc điều trị ban đầu là rửa kỹ với nhiều nước để loại bỏ hết những chất kích thích còn lại trên da. Khi đã xác định được chất kích thích hoặc dị ứng nguyên thì bạn nên tránh tiếp xúc với chúng.

Tránh tiếp xúc với hóa chất khi bị viêm da tiếp xúc

Trong nhiều trường hợp, cách điều trị tốt nhất là không làm gì cả.

Kem hoặc thuốc mỡ có chứa corticosteroid có thể làm giảm triệu chứng viêm. Bạn phải tuân theo hướng dẫn sử dụng khi dùng các loại thuốc này bởi vì nếu dùng quá nhiều có thể gây hại cho da ngay cả với những sản phẩm có nồng độ thấp. Trong những trường hợp nghiêm trọng, để giảm tình trạng viêm người ta có thể dùng corticosteroid toàn thân. Như trong trường hợp để ngăn cản sự tái phát của chứng  phát ban  người ta thường sử dụng thuốc với liệu trình giảm dần trong khoảng 12 ngày. Ngoài ra, thay vì điều trị bằng corticosteroid, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc mỡ tacrolimus hay kem pimecrolimus.

Băng ướt và những loại kem dưỡng mau khô, chống ngứa dễ chịu cũng có thể được khuyên dùng để giảm các triệu chứng khác.

Tiên lượng bệnh
Người mắc bệnh viêm da tiếp xúc thường sẽ hết bệnh trong khoảng từ 2 đến 3 tuần và không để lại biến chứng, nhưng bệnh có thể tái phát nếu không xác định được dị ứng nguyên và người bệnh lại vô tình tiếp xúc với chúng. Người bệnh có thể phải chuyển nghề hoặc thay đổi thói quen nghề nghiệp nếu như môi trường làm việc là nguyên nhân của bệnh.

Biến chứng
Người bệnh có thể bị nhiễm trùng da thứ cấp do vi khuẩn.

Liên lạc với người chăm sóc sức khỏe
Nếu bạn có những triệu chứng liên quan đến bệnh viêm da tiếp xúc hoặc tình trạng bệnh không cải thiện sau khi điều trị thì hãy liên lạc với bác sĩ.

Phòng bệnh
Tránh tiếp xúc với những dị ứng nguyên đã xác định được. Nếu việc tiếp xúc là không thể tránh khỏi thì hãy dùng găng tay bảo vệ hoặc những biện pháp phòng vệ khác. Hãy rửa kỹ da sau khi tiếp xúc với chúng. Tránh điều trị quá mức các rối loạn về da.

 

 

 

Call Now Button