• 7

Thông thường, chứng vàng da không gây ra những biến chứng trầm trọng và sau khi ra đời được khoảng một tuần nó sẽ từ từ nhạt đi. Nếu sau một tuần chứng vàng da không nhạt đi, hoặc vẫn kéo dài sau 2 tuần thì các bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc các bệnh viện địa phương.

Nguyên nhân nào gây ra chứng vàng da?
Trong cơ thể con người, các tế bào máu mới luôn được hình thành và các tế bào cũ bị phá hủy. Một trong những sản phẩm của các tế bào máu bị phá hủy là chất bilirubin. Chất bilirubin thường đi đến gan và được thải ra ngoài cơ thể qua phân. Những ngày đầu tiên sau khi chào đời, gan của em bé không hoạt động tốt bằng thời gian sau đó, do đó nó có khuynh hướng tích tụ một lượng bilirubin trong máu. Đó là nguyên nhân gây ra bệnh vàng da và tròng trắng mắt.

Bệnh vàng da có nguy hiểm không?
Nếu lượng bilirubin trong máu quá cao, nó có thể làm cho trẻ sơ sinh thấy choáng váng và buồn ngủ. Nó có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến thính giác và tổn hại não. Ở bệnh viện, việc chăm sóc được thực hiện nhằm bảo đảm lượng bilirubin không tăng quá cao. Bệnh vàng da còn có thể là dấu hiệu của bệnh gan. Đó là lý do tại sao bạn nên liên hệ với bác sĩ. Một trong những dấu hiệu của bệnh gan là phân của bé có màu xanh nhạt thay vì màu vàng.

Những trẻ nào dễ mắc chứng vàng da?

Trẻ em có thể bị bệnh vàng da nếu sinh thiếu tháng, có máu khác với loại máu của người mẹ, …

Bao gồm:

  • Các bé sinh thiếu tháng

  • Các bé bị một chứng bệnh nhiễm trùng

  • Những bé có loại máu Rhesus hoặc RH, là những bé có loại máu khác với máu của người mẹ. Nguyên nhân này gây ra phản ứng trong cơ thể các bé khiến cho các tế bào máu bị phá hủy nhanh hơn bình thường.

Phương pháp đo lường mức độ vàng da
Người ta dùng phương pháp thử máu để kiểm tra lượng bilirubin. Nhiều bệnh viện cũng sử dụng các dụng cụ đặt trên da em bé để tầm soát xem việc thử máu có cần thiết không. Nhân viên bệnh viện sẽ tiến hành thử máu nếu:

  • Có nguy cơ gây bệnh vàng da, ví dụ như sinh non

  • Vàng da xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi chào đời.

Phương pháp chữa trị
Cung cấp nhiều nước là việc quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Bệnh vàng da thường làm cho cơ thể mất nước. Vàng da loại nhẹ ở trong tuần đầu tiên không cần thiết phải chữa trị ngoài việc cho các bé uống nhiều nước. Vàng da ở mức độ vừa được điều trị bằng cách đặt các em (không mặc quần áo và dùng mặt nạ bảo vệ mắt) dưới ánh đèn sáng trắng hoặc xanh. Đây là phương pháp trị liệu bằng ánh sáng (phototherapy).

Ánh sáng có tác dụng phá hủy chất bilirubin ở da và làm cho màu vàng nhạt đi. Việc điều trị bằng ánh sáng có thể làm cho các bé có phân lỏng. Điều này có thể được điều trị bằng cách cho các bé uống nước nhiều hơn. Việc đưa con ra phơi nắng mà không có sự kiểm soát hay theo dõi của các nhà chuyên môn có thể làm nguy hại làn da và làm cháy nắng. Trường hợp vàng da nghiêm trọng, các bé có thể cần phải truyền máu để thay thế (trao đổi) các tế bào máu mới giúp đẩy các chất bilirubin ra ngoài cơ thể

Chứng vàng da có gây tác hại lâu dài không?
Thường sau khi mắc bệnh vàng da, cơ thể các bé không bị ảnh hưởng lâu dài. Đối với những bé bị nặng thì nên đi kiểm tra thính giác thường xuyên. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc y tá. Tổn hại não với các bé mắc bệnh vàng da nặng rất ít khi xảy ra bởi vì lượng bilirubin đã được kiểm soát trong những ngày đầu tiên sau khi chào đời.

Nên nhớ

  • Nếu vàng da không nhạt dần sau 1 tuần hoặc kéo dài đến 2 tuần, các bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện.

  • Bệnh vàng da có thể là nguyên nhân gây bệnh gan. Vì vậy liên hệ với bác sĩ nếu bệnh vàng da không nhạt đi là điều hết sức cần thiết.

Lưu  ý
Tài liệu này chỉ nhằm mục đích giáo dục. Vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia về sức khỏe để đảm bảo những thông tin này là phù hợp với con bạn.

 

 

Call Now Button