• 11

 Boils*** Nhọt là gì?
Nhọt là bệnh nhiễm trùng ngoài da, thông thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus (thường được gọi là ‘golden staph’) gây ra. Nhiều người khỏe mạnh có vi khuẩn này trên da hoặc trong mũi nhưng không bị bệnh. Nhọt xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập qua vết cắt trên da và tạo ra vết thương sưng tấy, mưng mủ, đau đớn khi chạm vào.

Những trường hợp nhiễm trùng ngoài da khác chẳng hạn như bệnh ghẻ lở cũng có thể do vi khuẩn staph gây ra. Bệnh ghẻ lở, thường được gọi là bệnh ghẻ lở học đường (vì trẻ em tuổi đi học bị bệnh này), là những mụn nước nhỏ hoặc vết lở đóng mày trên da. Khi những mụn nước vỡ, dịch vàng chảy ra và đóng lại thành lớp mày màu mật ong.

*** Bệnh lây lan bằng cách nào? 
Nhọt và những bệnh nhiễm trùng ngoài da lây lan từ người này sang người khác bằng cách:
  • Nặn, gãi hoặc chạm vào chỗ bị nhiễm trùng

  • Mặc quần áo, sử dụng khăn hoặc drap giường mà người bị nhiễm trùng da đã sử dụng

  • Sử dụng những vật dụng như đồ cắt móng tay, nhíp và dao cạo mà người bị nhiễm trùng da đã sử dụng

  • Không rửa tay kỹ.

*** Quý vị có thể ngăn chặn bệnh lây lan như thế nào?

1. Rửa tay: là biện pháp quan trọng để ngăn chặn nhọt và bệnh nhiễm trùng ngoài da lây lan. Nên rửa toàn bộ bàn tay thật kỹ bằng xà bông và dưới vòi nước chảy từ 10-15 giây

  • Trước & sau khi chạm/băng bó chỗ bị nhiễm trùng

  • Trước khi cầm hoặc ăn thức ăn

  • Sau khi đi vệ sinh

  • Sau khi hỉ mũi

  • Sau khi chạm hoặc cầm vào quần áo hay drap giường chưa giặt

Rửa tay thật kỹ nhằm ngăn chặn bệnh lây lan

2. Giữ vết trầy xước và nhọt sạch sẽ và băng kín để tránh bị nhiễm trùng

3.  Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân chẳng hạn như quần áo, khăn hoặc drap giường (nếu quý vị ngủ chung với ai, hãy băng kín vết lở hay vết thương trong đêm) hoặc những vật dụng khác như đồ cắt móng tay, nhíp, dao cạo và bàn chải đánh răng.

4. Thường xuyên giặt drap giường và quần áo.

*** Bệnh được chẩn đoán bằng cách nào? 
Đa số bệnh nhiễm trùng ngoài da được chẩn đoán dựa theo những biểu hiện bên ngoài và sự hiện diện của bất cứ triệu chứng liên quan khác (ví dụ như sốt). Bác sĩ có thể lấy mẫu quệt hoặc mẫu xét nghiệm từ mụn nhọt, vết thương hoặc những nơi khác của bệnh nhiễm trùng để xác định loại vi khuẩn gây bệnh. Một số bệnh nhiễm trùng có thể do loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây ra.

*** Bệnh được chữa trị như thế nào? 

Giữ sạch sẽ và băng kín nhọt hoặc các bệnh nhiễm trùng ngoài da 
  • Rửa nhọt hoặc vết lở bằng nước và xà-bông hay nước muối

  • Đặt miếng gạc nóng lên nhọt để giúp tụ mủ

  • Băng kín nhọt và các chỗ bị nhiễm trùng ngoài da khác và thay băng thường xuyên.

Đừng nặn nhọt
  • Việc nặn mủ nhọt hay vết mủ ngoài da chỉ nên để cho bác sĩ, y tá hay nhân viên y tế chuyên nghiệp thực hiện

  • Trong một số trường hợp, bệnh nhiễm trùng cần phải được chữa trị bằng thuốc kháng sinh.

Nếu vết lở lan ra hoặc chuyển nặng hơn hoặc người bệnh bị sốt, hãy đến bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh (thuốc viên hay thuốc thoa). Điều quan trọng là nên làm theo hướng dẫn và uống thuốc kháng sinh đúng theo yêu cầu của bác sĩ.
 
 

Call Now Button