• 614

Giang mai là bệnh gì?

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến, do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nếu không được điều trị, nó có thể gây ra các biến chứng nặng nề cho người bệnh. Có nhiều người bị nhiễm nhưng không hay biết vì không thấy có triệu chứng gì.

Bệnh giang mai

Bệnh giang mai lây lan như thế nào?

  • Xoắn khuẩn giang mai lây truyền qua quan hệ tình dục. Một người có thể bị nhiễm khi bộ phận sinh dục, hậu môn, miệng hoặc nơi khác trên cơ thể (hiếm khi xảy ra) chạm vào săng giang mai (vết trợt loét) của người đang bị.
  • Thai phụ bị giang mai có thể truyền bệnh sang con trong quá trình mang thai.

Triệu chứng bệnh giang mai.

  • Giai đoạn 1:

Xuất hiện vết trợt loét được gọi là săng, thường không đau ở bộ phận sinh dục hoặc trong miệng, hậu môn và có thể kèm theo sưng hạch bạch huyết. Săng có thể gặp ở bất cứ nơi nào có tiếp xúc tình dục. Nếu quan hệ tình dục bằng miệng, nó có thể ở trong miệng hoặc bộ phận sinh dục. Săng có thể kéo dài từ một đến năm tuần và có thể tự biến mất ngay cả khi không được điều trị. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

  • Giai đoạn 2:

Khoảng sáu tuần sau khi săng xuất hiện, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 2. Triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn này là phát ban, có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể bao gồm thân, tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân,… và thường không ngứa.

Các triệu chứng khác có thể có như mệt mỏi, sốt, đau họng, nhức đầu, sưng hạch bạch huyết và rụng tóc (rụng lốm đốm không đều).

Triệu chứng sẽ kéo dài từ hai đến sáu tuần và có thể tự biến mất. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

  • Giai đoạn tiềm ẩn:

Khi các triệu chứng của bệnh giang mai thứ phát biến mất, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn. Mặc dù người bệnh không có triệu chứng, nhưng vẫn bị nhiễm. Nếu bệnh không được điều trị ở giai đoạn này, nó có thể tiềm ẩn suốt đời hoặc chuyển sang giai đoạn cuối.

  • Giai đoạn 3:

Khoảng 15-30% số người nhiễm chưa điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn 3, với mốc thời gian có thể lên đến 30 năm kể từ khi nhiễm bệnh. Ở giai đoạn này, xoắn khuẩn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, mắt, tim, mạch máu, tủy sống, gan, xương, khớp và có thể gây tử vong. Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào cơ quan bị tổn thương.

Khi nào các triệu chứng bắt đầu xuất hiện?

Các triệu chứng có thể xuất hiện từ 10 đến 90 ngày sau khi một người bị nhiễm.

Xét nghiệm:

Thời điểm chắc chắn có thể phát hiện kháng thể giang mai trong máu là từ 12 tuần sau khi nhiễm, nhưng kháng thể có thể xuất hiện sớm hơn. Mặc khác, xét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh trong vòng 1–2 tuần sau khi thấy săng.

Có khả năng bị nhiễm lại giang mai không? Một người từng bị giang mai và đã điều trị khỏi vẫn hoàn toàn có thể bị lây nhiễm lại.

Biến chứng.

  • Giang mai không được điều trị có thể gây ra tổn thương các cơ quan trong cơ thể như đã trình bày ở trên. Đặc biệt đối với thai phụ bị nhiễm nếu không điều trị sớm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.
  • Lưu ý là khi sinh ra, một em bé bị nhiễm giang mai có thể không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu trẻ không được điều trị sớm, có thể gặp các biến chứng nguy hiểm.

Cách phòng tránh lây nhiễm:

  • Giảm số lượng bạn tình
  • Sử dụng bao cao su (có loại cho nữ). Nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai nếu được sử dụng đúng cách. Nhưng bao cao su chỉ bảo vệ khu vực mà nó che phủ, những khu vực nó không bao phủ vẫn có thể bị lây nhiễm.
  • Thông báo cho bạn tình để đi khám và điều trị nếu bị nhiễm.
  • Tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm máu tầm soát giang mai trước khi sinh.
Call Now Button