• 2

Ung thư biểu mô tế bào đáy là một loại ung thư da. Ung thư tế bào đáy bắt nguồn từ tế bào đáy – một loại tế bào trong da có chức năng tạo ra các tế bào da mới khi các tế bào cũ chết đi.

Hầu hết các ung thư biểu mô tế bào đáy được cho là do tiếp xúc lâu dài với tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời. Tránh ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng có thể giúp bảo vệ phòng ngừa ung thư tế bào đáy.

Nguyên nhân

Ung thư biểu mô tế bào đáy xảy ra khi một trong các tế bào đáy của da xuất hiện đột biến trong bộ gen DNA của nó.

Các tế bào đáy được tìm thấy ở phần dưới cùng của lớp biểu bì – lớp ngoài cùng của da. Các tế bào đáy tạo ra các tế bào da mới. Khi các tế bào da mới được sản xuất, chúng sẽ đẩy các tế bào cũ về phía bề mặt da, nơi các tế bào cũ chết đi và bị bong ra.

Quá trình tạo ra các tế bào da mới được kiểm soát bởi bộ gen DNA của tế bào đáy. DNA chứa các hướng dẫn cho một tế bào phải làm gì. Đột biến làm cho tế bào đáy nhân lên nhanh chóng và tiếp tục phát triển liên tục. Cuối cùng, các tế bào bất thường tích lũy tạo thành một khối u ung thư xuất hiện trên da.

Triệu chứng

Ung thư biểu mô tế bào đáy thường phát triển trên vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của cơ thể, đặc biệt là đầu và cổ của bạn. Ít gặp hơn, ung thư này có thể phát triển trên các bộ phận thường được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như bộ phận sinh dục.

Ung thư biểu mô tế bào đáy xuất hiện với các triệu chứng thay đổi trên da. Những thay đổi trên da này thường có một trong những đặc điểm sau:

  • Một nốt màu trắng, màu da hoặc hồng hơi trong suốt, trên có giãn mạch. Ở những người có tông màu da tối hơn, tổn thương có thể sậm màu hơn nhưng vẫn hơi trong suốt. Là loại ung thư biểu mô tế bào đáy thường gặp nhất, tổn thương này thường xuất hiện trên mặt và tai. Các tổn thương có thể vỡ, chảy máu và đóng vảy.

  • Một tổn thương màu nâu, đen hoặc xanh lam. Hoặc một tổn thương có các đốm đen – với đường viền hơi trong và hơi nhô lên.

  • Một mảng da đỏ và phẳng, có vảy với bờ gồ thường gặp ở lưng hoặc ngực. Theo thời gian, những mảng này có thể phát triển khá lớn.

  • Một tổn thương màu trắng, nhám, nhìn giống một vết sẹo mà không có bờ rõ ràng, được gọi là thể morpheaform, là tổn thương ít gặp nhất.

Khi nào đi khám bác sĩ

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn quan sát thấy những thay đổi bất thường trên da. Chẳng hạn như xuất hiện nốt mới trên da, sự thay đổi của một sang thương da trước đó hoặc có một vết loét tái phát.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ ung thư biểu mô tế bào đáy, bạn có thể:

  • Tránh ánh nắng mặt trời vào thời gian giữa ngày (buổi trưa).
  • Dùng kem chống nắng. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF ít nhất là 30, ngay cả trong những ngày râm. Thoa kem chống nắng đủ, và bôi lại sau mỗi hai giờ – hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đi bơi hoặc đổ mồ hôi.

  • Mặc quần áo bảo hộ. Che phủ làn da của bạn bằng quần áo tối màu, che kín cánh tay và chân của bạn. Đội một chiếc mũ rộng vành bảo vệ tốt hơn so với mũ bóng chày hoặc tấm che mặt. Đừng quên kính râm. Hãy tìm những loại chặn cả hai loại bức xạ UV – tia UVA và UVB.
  • Tránh giường tắm nắng ( còn gọi là giường nhuộm da, tanning bed)
  • Kiểm tra da của bạn thường xuyên và báo với bác sĩ những sự thay đổi trên da của bạn.
Call Now Button