• 467
  1. Viêm mô tế bào là gì?

Viêm mô tế bào là một tình trạng nhiễm khuẩn ở lớp sâu dưới da. Biểu hiện đầu tiên thường là sưng và đỏ da. Khi chạm vào vùng da nhiễm khuẩn sẽ thấy cảm giác ấm và đau. Tình trạng này có thể gặp ở bất cứ vùng nào trên cơ thể. Người lớn thường gặp ở cẳng chân; trẻ em có khuynh hướng gặp ở vùng mặt cổ nhiều hơn.

Tuy nhiên khi bạn gặp tình trạng sưng đỏ ở cả hai chân thì có thể bạn đang mắc một bệnh lý khác chứ không phải là viêm mô tế bào.

Nếu bạn gặp phải tình trạng sưng đau nhiều dưới da, nghĩ nhiều đến viêm mô tế bào, tức là bạn cần đến chăm sóc y tế khẩn cấp. Điều trị sớm và hợp lý sẽ giúp tình trạng cải thiện tốt mà không để lại bất kỳ di chứng nào.

2. Nguyên nhân:  Vi khuẩn thường trú trên da thường không gây nguy hại gì, nhưng chúng có thể gây nhiễm trùng qua vết thương hở trên da, ví dụ như:

  • Một vết cắt hoặc trầy xước da.
  • Nốt côn trùng đốt, hoặc vết cắn của động vật.
  • Vết loét ở chân.
  • Vùng da khô, nứt nẻ, do chàm hoặc nấm chân.

Trong phần lớn trường hợp loại vi khuẩn gây viêm mô tế bào thường không được định danh.

3. Điều trị:

Viêm mô tế bào thường được điều trị với kháng sinh. Đa số các trường hợp điều trị sớm có thể dùng kháng sinh đường uống tại nhà.

Sau khi bắt đầu điều trị, các triệu chứng sẽ được cải thiện tốt trong vòng 24 đến 48 giờ. Một số ít trường hợp viêm mô tế bào nặng sẽ cần được điều trị tại bệnh viện.

  1. Biến chứng

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan rộng ra hơn. Vi khuẩn sẽ theo đường bạch huyết vào máu, dẫn đến tình trạng nặng nề hơn đó là nhiễm trùng huyết hoặc tổn thương mạch bạch huyết vĩnh viễn. Một số biến chứng khác cũng có thể gặp như hoại tử, áp xe.

Khi được điều trị trước khi có biến chứng xuất hiện, hầu hết bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Và điều trị sớm chỉ cần dùng đến kháng sinh đường uống, cũng như chăm sóc phục hồi vết thương được tốt hơn.

5. Phòng ngừa

Nếu bạn đã từng bị viêm mô tế bào trước đó thì bạn vẫn có nguy cơ tái nhiễm.

Không thể hoàn toàn tránh tái nhiễm, nhưng một số lưu ý sau có thể giúp giảm nguy cơ :

  • Dùng dưỡng ẩm thường xuyên cho vùng da khô, dễ nứt nẻ.
  • Giảm cân nếu bạn đang quá cân, vì béo phì có thể làm tăng nguy cơ bị viêm mô tế bào.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền như chàm, nấm bàn chân, loét chân hoặc phù mạch bạch huyết.
  • Nếu có vết cắt da hoặc vết cắn, hãy giữ chúng sạch sẽ bằng cách rửa ngay dưới vòi nước chảy và băng lại bằng gạc sạch.
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi chạm vào vết thương hay vùng da bệnh.
Call Now Button